Mỹ gửi tên lửa đánh chặn và tàu chiến tới Trung Đông

Chiến hạm USS Arlington

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Chiến hạm USS Arlington sẽ tham gia cùng với Hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln ở vùng Vịnh

Mỹ đang gửi một hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot tới Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Iran.

Một chiến hạm, chiếc USS Arlington, với các phương tiện đổ bộ và phi cơ trên tàu, cũng sẽ gia nhập với Hàng không Mẫu hạm USS Abraham Lincoln, nhóm tấn công ở vùng Vịnh.

Và oanh tạc cơ B-52 của Mỹ đã đến một căn cứ ở Qatar, Lầu Năm Góc cho biết.

Mỹ nói các động thái này là một phản ứng trước mối đe dọa có thể có của Iran đối với các lực lượng Mỹ trong vùng, mà không nêu rõ. Iran bác bỏ và nói cáo buộc này là vô nghĩa.

Tehran đã mô tả các hoạt động triển khai là "chiến tranh tâm lý" nhằm đe dọa nước này .

Iran cũng gợi ‎ý rằng họ có thể tiếp tục các hoạt động hạt nhân làm giàu uranium.

Tại sao Mỹ gửi thêm lực lượng?

Hệ thống hỏa tiễn phòng thủ Patriot

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Hệ thống hỏa tiễn phòng thủ Patriot đã được gửi đến để tăng cường cho quân lực Mỹ ở khu vực, theo Bộ Quốc phòng Mỹ

Lầu Năm Góc cho biết quân lực Mỹ đang đối phó với mối đe dọa có thể đối với các lực lượng Mỹ, nhưng không đưa ra bất kỳ thông tin cụ thể nào liên quan đến các mối đe dọa đó.

Tuyên bố mới nhất của Lầu Năm Góc hôm thứ Sáu, 10/5/2019 chỉ nói rằng Washington "sẵn sàng bảo vệ quân lực và các lợi ích của Mỹ trong khu vực", đồng thời cho biết Mỹ không tìm kiếm xung đột với Iran.

Có khoảng 5.200 binh sỹ Mỹ hiện đang được triển khai ở nước láng giềng Iraq.

Hệ thống Patriot có thể chống lại hỏa tiễn đạn đạo, tên lửa hành trình và phi cơ tiên tiến.

Các quan chức nói với truyền thông Hoa Kỳ rằng USS Arlington đã được lên kế hoạch đi đến khu vực này, nhưng việc triển khai được thực hiện để tăng cường các năng lực kiểm soát và chỉ huy.

USS Abraham Lincoln đã đi qua Kênh đào Suez hôm thứ Năm, Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ cho biết.

Hãng thông tấn bán chính thức ISNA của Iran dẫn lời một giáo sĩ cấp cao của Iran, Yousef Tabatabai-Nejad, nói rằng hạm đội quân đội Mỹ có thể bị "phá hủy bằng một hỏa tiễn".

Tình trạng quan hệ Mỹ-Iran

Mỹ - Iran
Chụp lại hình ảnh, Mỹ và Iran ngày càng bất đồng trong nhiều vấn đề, đặc biệt liên quan thỏa thuận quốc tế về hạt nhân Iran mà Tổng thống Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi

Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt mà Mỹ và các quốc gia khác đã đồng ý với Iran vào năm 2015.

Theo thỏa thuận, Iran đã đồng ý hạn chế các hoạt động hạt nhân nhạy cảm của mình và cho phép các thanh sát viên quốc tế đổi lại biện pháp trừng phạt.

Tháng trước, Mỹ cũng đã đưa lực lượng Vệ binh Cách mạng ưu tú của Iran vào danh sách đen, chỉ định đây là một nhóm khủng bố nước ngoài.

Nhà Trắng đã tiến hành chấm dứt miễn trừ các lệnh trừng phạt đối với năm quốc gia - Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ - vẫn đang mua dầu của Iran.

Các lệnh trừng phạt đã dẫn đến suy thoái mạnh mẽ trong nền kinh tế của Iran, đẩy giá trị đồng tiền của nước này xuống mức thấp kỷ lục, xua đuổi các nhà đầu tư nước ngoài và gây ra các cuộc biểu tình.

Chính quyền Trump hy vọng sẽ buộc Iran phải đàm phán một "thỏa thuận mới" không chỉ bao gồm các hoạt động hạt nhân mà còn cả chương trình hỏa tiễn đạn đạo và điều mà giới chức gọi là "hành vi ác độc" của Iran ở Trung Đông.

Iran

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Iran nói nước này có thể tiếp tục các hoạt động hạt nhân làm giàu Uranium

Iran đã nhiều lần đe dọa trả đũa các biện pháp của Mỹ bằng cách chặn eo biển Hormuz - mặc dù khoảng 1/5 tổng số dầu được tiêu thụ trên toàn cầu.

Đầu tuần này, Iran tuyên bố đình chỉ hai cam kết theo thỏa thuận năm 2015 để đáp trả các lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ đã áp đặt trở lại.

Iran cũng đe dọa sẽ đẩy mạnh làm giàu uranium nếu nước này không được bảo vệ khỏi các tác động của lệnh trừng phạt trong vòng 60 ngày.

Các cường quốc châu Âu nói họ vẫn cam kết với thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng họ "từ chối bất kỳ tối hậu thư" nào từ Tehran để ngăn chặn sự sụp đổ của nó.

Sức ép hay còn hơn thế?

"Cuộc chiến thực sự liên quan số phận của thỏa thuận hạt nhân Iran đã bắt đầu," Jonathan Marcus, phóng viên quốc phòng của BBC nhận định.

"Trong năm kể từ khi chính quyền Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận, Iran và tất cả các bên khác đã tiếp tục bất chấp. Và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, cơ quan giám sát hạt nhân toàn cầu, đã nhiều lần dành cho Tehran các chứng nhận về tình trạng "sạch sẽ"…

"Nhưng sự tuân thủ của Iran không phải là vấn đề đối với chính quyền Trump vốn nói rằng đơn giản đây là một thỏa thuận tồi tệ. Các đồng minh chính của Châu Âu của Hoa Kỳ, cùng với Nga và Trung Quốc, không đồng ý. Vì vậy, chính quyền Trump đã tăng cường áp lực với Tehran.

"Áp lực đối với nền kinh tế của Iran đã rất nghiêm trọng và chính phủ Iran đã quyết định hành động - nói rằng họ sẽ không còn tôn trọng các hạn chế trong việc lưu trữ uranium và nước nặng, và đưa ra thời hạn cho các bên khác thực hiện các cam kết của họ.

"Một vài tháng khó khăn của ngoại giao còn nằm ở phía trước và không có gì đảm bảo thành công. Chính quyền Trump phải nhìn thấy mục tiêu cuối cùng của họ - sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân - như bây giờ đang ở trong tầm nhìn. Nhưng nguy cơ xung đột - mặc dù vô tình thay vì được thiết kế - đang gia tăng," phóng viên quốc phòng của chúng tôi bình luận.