Nữ đạo diễn Phạm Thu Hằng và phim 'về những người yếu thế'

  • Mỹ Hằng
  • BBC, Bangkok
Việt Nam, phim

Nữ đạo diễn phim tài liệu độc lập Phạm Thu Hằng bị cuốn hút bởi các mối quan hệ của con người, đặc biệt là người yếu thế, với chính bản thân họ.

Tóc 'quả dưa', áo ca rô

Tóc 'quả dưa', áo kẻ ca rô vàng đỏ và quần 'a li ba ba'. Cổ quàng một cái khăn lụa mẹ cho. Đó là chân dung đạo diễn Phạm Thu Hằng thì hiện tại.

Chị là nữ đạo diễn phim tài liệu độc lập đầu tiên của Việt Nam đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất châu Á tại Liên hoan phim quốc tế 2018 tại Singapore, với phim đầu tay Mùa Cát Vọng (The Future Cries Beneath Our Soil).

Phim là kết quả của bốn năm làm việc cật lực tại vùng cát trắng Quảng Trị, nơi chị tìm thấy sự gắn bó kỳ lạ với những người dân thôn quê từng sống qua cuộc chiến tranh chống Mỹ khốc liệt.

Nhưng đồng thời cũng là nỗ lực suốt nhiều năm của Phạm Thu Hằng khi chị và một nhóm nhỏ những người bạn có cùng đam mê vừa học, vừa làm, vừa tìm đường cho ngành phim tài liệu độc lập còn non trẻ của Việt Nam.

Trước khi bắt tay vào làm phim tài liệu, Phạm Thu Hằng từng có ý định làm nhân viên một viện nghiên cứu để có công việc ổn định theo ý bố mẹ. Lúc đó, Hằng là cô gái tóc dài chấm lưng, da trắng, hay mặc váy.

Việt Nam, phim

Thời đó, những ngày lang thang không định hướng để thoát khỏi căn phòng có tiếng gõ máy tính 'cạch cạch' nhàm chán đến 'đáng sợ', Hằng tìm đến lớp học làm phim tài liệu miễn phí - khóa đầu tiên - tại Doc Lab, Hà Nội. Sau ba năm, Hằng trở thành người đầu tiên trong số các nhà làm phim tài liệu độc lập tại Việt Nam giành học bổng thạc sỹ đạo diễn phim tài liệu tại châu Âu.

Đến kỳ học thứ hai, Phạm Thu Hằng lên ý tưởng về Việt Nam làm phim tài liệu đầu tay về những người làm nghề dò bom mìn tại Quảng Trị. Để có kinh phí làm phim trong suốt bốn năm, Hằng đã phải vận động nhiều nguồn lực khác nhau như chịu khó nộp hồ sơ tới các chợ phim quốc tế và liên hoan phim để có tiền tiếp tục làm phim.

Việt Nam, phim

BBC: Nhiều người nghe tiếng tăm của phim Mùa Cát Vọng nhưng không biết xem ở đâu?

Đó là do khâu phát hành phim rất gian nan, nhất là những phim thuộc thể loại khó xem như vậy. Hiện tôi đã gửi phim tới một số đơn vị phát hành và đang chờ câu trả lời. Nếu không có đơn vị nào nhận phát hành rộng rãi thì tôi sẽ chiếu trong những không gian nhỏ cho những người yêu phim. Hi vọng cách này có thể khiến phim tới được với khán giả rộng rãi hơn, dù không mang lại tiền bạc nhưng đó cũng là niềm an ủi.

Việt Nam, phim
Chụp lại hình ảnh, Một cảnh trong phim Mùa Cát Vọng

BBC: Trên con đường làm phim tài liệu, chị nhận thấy điều gì về bản thân? Có những thay đổi gì trong cách chị nhìn nhận bản thân và nhân sinh quan hay không?

Bản thân tôi, tôi nghĩ có thay đổi, nhưng phần cốt lõi không có thay đổi gì nhiều. Nhờ được đi ra ngoài và đi học, tôi thấy thế giới rộng lớn hơn.

Tôi bắt đầu có cái nhìn so sánh về đất nước mình với thế giới bên ngoài, tôi thấy nước mình nhiều người còn khổ quá. Trong khi ở nhiều nước tôi đến, thấy cảnh người dân ăn mặc đẹp đẽ, vào ngày nghỉ ra công viên tắm nắng nghe hòa nhạc, thong dong vô cùng, thì nhiều người dân quê mình vẫn còn vô cùng khốn khổ, nhiều người có số phận hẩm hiu.

Mà vì sao nên nỗi khốn đốn như vậy? Có thể nào lại được như thế kỷ 17, 18, khi ta có một ông vua sáng, làm được cái Minh Trị Duy Tân để cả dân tộc đổi thay?

Đấy là nói về chuyện nhận thức của mình thay đổi, mình biết nhiều hơn về lịch sử rồi biết đưa ra giả thuyết này giả thuyết kia.

Việt Nam, phim

Nhưng nói chung tôi thấy mình làm được gì trong sức của mình đề giúp mọi thứ thay đổi trong lĩnh vực của mình thì mình làm. Hiện giờ tôi đang cố gắng phát triển bản thân rồi có thể giúp được người khác.

Còn cái phần nhân sinh quan cốt lõi thì không thay đổi nhiều như tôi nói. Những câu hỏi về tồn tại và ý nghĩa của sự tồn tại của con người vẫn là điều tôi thấy chưa tìm ra được. Chính vì thế nên trong phim Mùa Cát Vọng, cái cốt lõi đó là câu hỏi về sự tồn tại của con người và ý nghĩa của nó chứ không phải là về hậu quả của chiến tranh đâu.

BBC: Tại sao chị lại quyết định dấn thân vào con đường làm phim tài liệu độc lập được cho là rất gian nan này?

Tôi đã mất nhiều năm loay hoay để tìm ra con đường của mình. Dù đúng là chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, như luôn phải tự tìm kinh phí làm phim, tìm nơi phát hành, nhưng tôi luôn thấy đầy cảm hứng.

Nếu làm với đam mê thì sẽ vượt qua được những thử thách. Dòng phim tài liệu độc lập vẫn còn rất non trẻ ở Việt Nam. Nó mới chỉ bắt đầu từ năm 2009 với Doclab là đơn vị tiên phong và tôi hi vọng sẽ đóng góp được để phát triển dòng phim này ở Việt Nam.

Tôi nghĩ tôi vẫn đầy hi vọng theo đuổi con đường này, nhất là khi chúng tôi bắt đầu có một cộng đồng khán giả ủng hộ và một lực lượng làm phim trẻ đầy đam mê.

BBC: Chị quan tâm đến làm phim về chủ đề, đối tượng nào nhất? Vì sao?

Tôi thường thích làm về những người yếu thế. Tôi muốn tìm thấy những cái đẹp mà ít người có thể nhìn thấy ở những người đó, những người bị cho là điên dở hâm khùng.

Chủ đề thì là về con người với con người, con người với xã hội và với tự nhiên, chắc quan trọng nhất là quan hệ của con người với chính họ.

BBC: Sau khi làm phim Mùa cát vọng, điều gì đọng lại trong chị? Chị thấy mình đạt được gì?

Đọng lại cái gì cũng chả biết, chỉ biết mỗi lần xem phim nhìn thấy những cảnh mình quay thấy đã mắt và sướng lắm.

Việt Nam, phim

Thấy việc mình trong nhiều năm rong ruổi làm phim cũng là việc phải làm và cũng không có gì to tát thứ mà mình đạt được cả. Được nhiều người giúp đỡ thì mới làm được đó.

À mà rất sướng vì các cảm giác về sự vô thường và phù du và thơ ca dường như là mình đã làm mọi người cảm nhận được qua phim của mình.

Có nhiều người nói xem phim không hiểu gì nhưng mà vẫn thích phim vì thấy nó như một bài thơ! Đúng đó, tôi sung sướng vì phim giống như một bài thơ về cuộc sống. A bittersweet poem indeed.

BBC: Đâu là niềm hạnh phúc? Và nỗi buồn của người làm phim tài liệu (như chị)?

Hạnh phúc vì có khản giả xem và hiểu được đúng ý mình muốn nói. Như tôi nói ở trên là a bittersweet poem đó. Buồn vì công sức làm phim trong bao nhiêu năm cuối cùng mình khánh kiệt và không sống đươc bằng phim, vẫn chật vật xoay xoả để có tiền sống và làm tiếp.

Rôi sau đó đời của một cái phim may quá kéo dài nhiều nhất là một năm, rồi sau đó nó sẽ rơi vào quên lãng. Ai cần thì mới xem lại thôi. Như thế cũng vô thường. Mình phải chấp nhận vậy. Đâu có khác được đâu. Giờ muốn chạy đi đâu đó trốn đời nạp lại năng lượng mà chưa được đây!

BBC:Từ cuộc đời của các nhân vật trong phim Mùa Cát Vọng, chị thấy gì?

Thấy cuộc đời thật phù du và vô thường.

Họ cũng trải qua nhiều đau khổ mất mát, mà họ vẫn cứ sống được đến giờ, có người từng rất giàu, thế mà rồi đánh bạc nên mất hết. Vậy mà vẫn sống lay lắt được.

Nhưng mỗi lần đàn hát thấy họ vui lắm. Phải nhìn ánh mắt rừng rực lên của họ đó lúc hát. Họ nghệ sĩ lắm, khổ lắm nên suốt ngày muốn tụ tập để ngồi uống rồi hát để đỡ buồn. Cái này gọi là tính người.

Con người chắc là động vật có nhiều cảm xúc nhất trong các loài động vật cấp cao, rồi lại còn có thể nghĩ tới quá khứ hiện tại tương lai nữa, nói chung là vì du hành được qua thời gian nên mới khốn đốn thế. Mỗi lần họ mà hát thì tôi thấy họ không phải người bình thường nữa, bao nhiêu những cái hèn mạt, nhỏ nhen không còn nữa, thay vào đó chỉ thấy vẻ đẹp lấp lánh trong đó thôi.

Xong sau đó thì lại sống tiếp những ngày dài buồn bã.

C'est la vie.

Vậy nên vô thường là vì thế.

Câu chuyện của đạo diễn Phạm Thu Hằng nằm trong loạt bài Global Vietnamese - Người Việt Nam Toàn Cầu của BBC News Tiếng Việt.

Độc giả muốn chia sẻ những nét đặc thù, hay những nhân vật nổi trội của cộng đồng mình, xin liên lạc với BBC, email: vietnamese@bbc.co.uk hay với tác giả, email: MyHang.Tran@bbc.co.uk.